Khởi nghiệp - một góc nhìn.
Sự thất bại nhiều đến nỗi mình chưa bao giờ dám nhận mình là Doanh Nhân, chỉ là "Osin".
Thật vậy khi bạn đi làm công, bạn chỉ phải làm một phần việc thuộc chuyên môn của mình, người giữ xe có nhiệm vụ giữ xe, cô trợ lý có nhiệm vụ trợ lý, anh bán hàng chỉ tập trung bán hàng... Khi bạn làm chủ, nhất là khởi nghiệp từ nhỏ đi lên, bạn sẽ phải kiêm tạp vụ, giao nhận, bán hàng, kế toán, thủ quỹ, ..v.v. Một phần việc làm tốt đã khó, cùng lúc làm nhiều việc của nhiều bộ phận(để giảm chi nhân sự) thì thật sự rất rất khó, khi tài chính doanh nghiệp ít khó khăn không sao, khi đuối vốn bạn sẽ không thể vừa làm giao nhận vừa viết kế hoạch vay vốn được. Lúc đó áp lực tài chính làm bạn tẩu hỏa nhập ma, bế tắc làm bạn thiếu tập trung cho bất cứ công việc gì, không tốt một việc sẽ dẫn đến nhiều việc không tốt, có đến hơn 90% startup hay Doanh nghiệp đều chết yểu. Đối diện với sự thất bại không phải chuyện dễ dàng gì, mà khởi sự nào lại không khó khăn về tài chính. Tài chính mà mạnh đã nắm đến 90% thắng rồi.
Khi khởi nghiệp đa số chúng ta nhìn bức tranh đầy mầu hồng vì tự tin mới dám khởi sự nên khi gặp thất bại tâm lý háo thắng khó làm cho người khởi sự chấp nhận được. Thất bại lần một chỉ hết tiền, không thể nhanh có vốn để khởi sự lần hai, thất bại lần 2 ngoài mất tiền còn mất thêm nhiệt huyết, thất bại lần 3 ngoài hai thứ trên còn mất thêm niềm tin, người thân, bạn bè thường không tin bạn nữa, vay mượn không ai cho và quan trọng nhất bạn cũng hoài nghi vào năng lực chính bản thân mình...
Khởi nghiệp, không phải cứ một lần, 2 lần hay 3 lần có thể thành nghiệp (dù có năng lực). Đôi khi "mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên". Vậy nên nếu thấy độ lỳ của mình đủ (ngoài kỹ năng và tố chất cần hoặc nên có) thì hãy dấn thân vào con đường lập nghiệp riêng. Nếu bạn sinh ra không bị mang cái "nghiệp" làm chủ, tôi khuyên bạn nên cố gắng làm một người làm công tốt và chuyên nghiệp vì tôi cam đoan xét khách quan anh làm công sướng hơn anh làm chủ, bởi ngày đầu đi làm thuê tôi hạnh phúc nhớ đời lúc nhận lương 2 triệu rưỡi, sau những ngày làm chủ tất bật vừa làm vừa xoay tiền lương nhân viên và tất cả các khoản chi cuối tháng, đêm ngủ không thể ngon giấc...
Khi đã trải qua hết cung bậc làm chủ và làm công tôi nhận ra làm công ăn lương nhẹ nhàng và sung sướng hơn rất nhiều, nên khi tôi làm công thường thành công và thăng tiến nhanh là vậy, nhưng tôi bị bệnh thích khởi nghiệp. Làm công sung sướng được vài năm tôi lại sinh ra những ý tưởng điên điên buộc phải hành động, sau cùng mới thấy mình mắc nghiệp "thích khổ", nghiệp nặng là vậy nên đến giờ vẫn chưa hết khổ.
Có lần thất bại làm tôi hoài nghi và chán ghét chính bản thân, tôi sợ sự thất bại đến nỗi thề không kinh doanh nữa, nhưng không lâu sau lại ngứa nghề...
Thất bại nhiều bạn có nản không? Có vượt qua được cái sự nản đó để mà tiếp tục? "Trải nghiệm" là tốt đó nhưng sự trải nghiệm nào cũng phải trả giá và có những cái giá rất đắt.
Một lần ghé thăm gia đình của người bạn, chủ nhân của căn biệt thự đó không có nhà, nhưng tôi được đi thăm quan hết thảy nội thất các phòng cho mục đích công việc. Dừng lại phòng đọc sách và phòng làm việc của anh tôi liếc sơ qua nhưng đầy thán phục ngưỡng mộ cho cái kho tàng tri thức của anh. Anh- một người làm công ăn lương với lương tháng 200 triệu. Tôi mang tiếng boss mà lúc nào cũng chạy vạy cho các khoản chi phí doanh nghiệp mắc mệt, thèm được như gia đình anh mà biết không khi nào được bởi biết học cả chục năm nữa cũng không thể được như anh.
Tôi hay nói với nhân viên - những bạn muốn làm chủ "hỗ trợ hết mình để tạo điều kiện cho các em tự làm chủ" vì các em muốn chứ nếu thực tâm tôi nghĩ không nên. Nhiều em tôi gặp thật sự không có cả tố chất đến kỹ năng tối thiểu cho việc kinh doanh, nhưng các em có thừa tự tin. Các em mà thêm tiếp cận với những khẩu hiệu thúc đẩy startup nữa là rất dễ bay rồi rơi tự do lúc nào không hay. Khởi nghiệp là việc tốt, tự kinh doanh là tuyệt chỉ khi chúng ta ý thức rõ được bản thân, ưu nhược điểm, hiểu rõ được và mất khi dấn thân vào chiến trường không súng đạn mà thôi.
Dinh Vu - Facebooker
thông điệp cuộc sốngnhững khó khăn khi khởi nghiệpkhởi nghiệp tại Việt Namnhững bước khởi nghiệp