Mất ba, mất mẹ, thế là tôi mất cả thế giới này
Mọi người xung quanh nghĩ rằng tôi không thể hiểu được những chuyện đang xảy ra tồi tệ như thế nào. Họ cho rằng tôi là một đứa trẻ may mắn bởi cha tôi qua đời khi tôi vẫn còn rất nhỏ. Họ đã thực sự nghĩ như thế, nghĩ rằng tôi còn nhỏ nên nỗi đau mất cha này chẳng là gì cả đâu. Trong mắt họ, tôi chỉ là một đứa nhóc chẳng biết gì và cứ ngây ngô, ngốc nghếch vậy thôi.
Vậy nên họ đã vô tình giảm nhẹ nỗi đau mất đi người thân trong mắt một đứa trẻ như tôi.
Khi bố tôi qua đời, phải mất một thời gian rất lâu tôi mới có thể nhận thức được chuyện này tồi tệ như thế nào. Lúc nhỏ, tôi chỉ hiểu rõ và nhớ tất cả mọi thứ đã diễn ra. Tôi nhớ khoảnh khắc trái tim bố tôi ngừng đập, tiếng máy móc gì đó vang lên trong phòng bệnh, mẹ tôi thì bật khóc, có ai đó đưa tôi ra khỏi căn phòng đau thương, còn những người xung quanh thì cúi đầu tỏ vẻ thương tiếc. Tôi nhớ tất cả mọi thứ, và dù khi đó ai cũng mong muốn chuyện đang xảy ra chỉ là một giấc mơ thì thực ra nó lại là hiện thực phũ phàng buộc chúng ta phải chấp nhận đối diện.
Khi lớn lên, tôi nhận ra những suy nghĩ về cái chết của người lớn thật buồn cười. Như là chúng ta đã nghĩ một ai đó vô tình chết đi chỉ trong một giấc ngủ sẽ không tồi tệ như bạn phải chết dần chết mòn vì mắc bệnh ung thư, hoặc việc ông bà của mình mất đi sẽ không tồi tệ như việc chính bố mẹ mình mới là người qua đời. Và rồi chúng ta lại tiếp tục giả định rằng nếu bố mẹ của bạn qua đời khi bạn còn nhỏ, việc đó thật đỡ bớt nhiều đớn đau làm sao hơn là việc bạn phải trải qua nỗi đau mất mát khi bản thân đã khôn lớn rồi.
Và cũng chỉ vì tôi là một đứa trẻ chưa tròn bảy tuổi mà chẳng ai nói cho tôi biết rốt cuộc là có chuyện gì đang xảy ra, hay một lời giải thích đơn giản về cái chết của bố mình. Đơn giản chỉ vì tôi là một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, nên dù chuyện đang xảy ra có tồi tệ đến mức nào, trong mắt tôi đó cũng chỉ là một sự kiện chấn động trong giây lát rồi thôi.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, tôi dần dần biết được nỗi mất mát của mình lớn như thế nào.
Tôi đã không thể biết mình đang mất đi điều lớn lao gì ngay từ những giây phút đầu. Khi còn là một đứa trẻ, tôi biết việc mất bố là một sự thiếu hụt đau đớn trong đời mình. Tôi đã khóc ba bốn lần, hoặc nhiều hơn thế nữa. Nhưng rồi thời gian trôi đi, tôi cũng khôn lớn, bận rộn với tuổi trẻ của mình và dần dần vui vẻ trở lại khi được nhận từ mẹ và dì tình yêu thương vô bờ bến. Nghĩ theo một chiều hướng tích cực, tôi vẫn còn thấy mình may mắn vì còn có mẹ ở cạnh và được thân thiết với bà. Và cứ thế, nỗi đau trong tôi dần dần biến mất từ lúc nào tôi cũng chẳng biết nữa.
Rồi có một số sự kiện trong đời vô tình xuất hiện và khiến nỗi đau của tôi quay trở lại. Giống như lúc tôi leo lên xe một cô bạn chung lớp và nghe được đoạn hội thoại của cô ấy cùng với bố mình về việc họ sẽ ăn món gì vào bữa tối. Hoặc cảm giác hụt hẫng khi tôi thấy những người bạn của mình được bố dắt tay, cõng trên lưng và nhiều lúc còn được bế trên cổ khi băng qua đường để về nhà. Rồi đến ngày của Bố, tôi đã đùa rằng mình chẳng cần tốn đồng nào để mua quà tặng cả. Nhưng rồi chỉ vài giây sau lại tự hỏi rằng sẽ như thế nào nếu tôi có bố và tặng ông một món quà nho nhỏ. Lần lượt từng sự kiện xảy đến và dồn dập như những con sóng lớn. Và cứ thế, từng con sóng cứ đập vào người tôi mạnh dần và mạnh dần, cho đến ngày tròn 13 năm bố tôi qua đời. Khi đó, ông nội tôi cũng ra đi. Ở hàng ghế đầu tiên trong đám tang của ông, tôi đã bắt đầu khóc và thấm thía được nỗi đau mất mát người thân này. Tôi hiểu được cảm giác mất bố là một cảm giác khủng khiếp đến mức nào. Mất đi bố khi còn nhỏ, nghĩa là tôi phải chịu đựng nỗi đau thấm tháp dần dần vào tâm hồn mình. Và khi tôi lớn lên, nỗi đau của tôi cũng vẫn ở đó, đã luôn luôn ở đó. À, hóa ra nỗi đau này đã có ở đây lâu như thế, chỉ là đợi cho đến lúc tôi thực sự trưởng thành thì nó mới xuất hiện để dày vò tôi mà thôi.
Trưởng thành đồng nghĩa với việc tôi phải tự học cách lấp đầy những khoảng trống trong tim mình.
Mất cha ở tuổi lên sáu cũng đồng nghĩa với việc tôi có một khoảng kí ức trống rỗng về việc bố tôi là ai, ông là người như thế nào. Trước khi bố tôi qua đời, tôi chỉ nhớ ông đang cố gắng học để trở thành một luật sự tài giỏi, nhớ là ông còn hút thuốc rất thường xuyên. Chỉ thế thôi.
Mọi kí ức về ông tôi chỉ có thể lục lọi lại trong kí ức nhỏ xíu của mình hoặc hình dung về ông qua lời kể của mẹ. Bà nói rằng tôi sở hữu đôi mắt và cái mũi giống ông, và giống nhất thì có lẽ là nụ cười tươi và rạng rỡ này. Đôi lúc, tôi cảm thấy bố mình giống như là một nhân vật hư cấu hơn là người đàn ông đã từng có thật. Bởi ông sở hữu đầy đủ phẩm chất của một người bố hoàn hảo. Tôi đã đặt cho ông những tính cách tốt đẹp như để thỏa mãn sự trẻ con và những ý định bất chợt của mình.
Rồi đến lúc nào đó tôi khựng lại, nhận ra rằng mình chẳng có dịp được cãi nhau với bố, hay ông làm tổn thương tôi. Ông cũng không sống đủ lâu để có thể làm cho tôi thất vọng. Ông đúng thật là một người bố hoàn hảo trong tưởng tượng của tôi. Và đôi lần buồn bã thì tôi lại bật lên tiếng khóc. Kí ức cuối cùng về ông của tôi là lúc ông thều thào nói lời tạm biệt đứa con gái sáu tuổi của mình trước khi rời khỏi cuộc đời này mãi mãi.
Và rồi, tôi cũng bắt đầu sợ hãi khi lo lắng rằng đến một ngày nào đó có thể tôi sẽ chẳng còn chút kí ức nào về bố để nhớ về nữa.
Sau khi bố tôi qua đời, hằng đêm tôi ngồi trên giường và thử xem bản thân mình liệu còn nhớ được khuôn mặt của bố một cách rõ ràng hay không. Từng năm trôi đi, tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc này đều đặn mỗi đêm. Chỉ có điều càng ngày tôi lại càng nhớ ít hơn về những đặc điểm của bố mình. Những chi tiết trên khuôn mặt ông bỗng trở nên mờ nhòa trong trí nhớ của tôi. Thậm chí, ngay cả giọng nói của ông như thế nào, tôi cũng không còn nhớ nữa. Những hình ảnh về ông đột nhiên từ sắc nét trở nên mờ nhòa khiến tôi vô cùng sợ hãi. Tôi sợ rằng mình sẽ sớm quên ông mất. Và điều này thật là tồi tệ, nó khiến tôi cứ bật khóc vì không muốn quên đi khuôn mặt người cha thân yêu của mình một chút nào.
Vì mất bố từ nhỏ nên tôi chỉ biết bám víu vào những kí ức quý giá về ông mà tôi có. Nên khi có bất cứ một thứ gì đó bắt đầu nhạt nhòa, tôi cũng có thể trở nên sợ hãi. Tôi sợ đến một ngày nào đó mình sẽ hoàn toàn quên đi khuôn mặt và giọng nói của ông. Cho nên khi nói đến hồi ức của tôi về ông, thì nó vừa là một thứ tài sản quý giá. Nhưng đồng thời cũng chính là kẻ thù tồi tệ nhất đối với trí nhớ của mình.
Và tôi dần phát hiện ra rằng chuyện người lớn khó làm nhất chính là giữ lời hứa của mình.
Tôi không nhớ gì nhiều về đám tang của bố mình. Nhưng cũng giống như mọi đứa trẻ khác, khi chúng được hứa những điều gì thì chúng sẽ mãi mãi ghi nhớ lời hứa đó. Các câu hứa hẹn như "Tôi sẽ giữ liên lạc", "Hãy gọi cho tôi bất cứ khi nào bạn muốn", hoặc "Hỏi tôi bất cứ điều gì cũng được" được thốt ra từ miệng những người nhìn mẹ tôi một cách thương tiếc. Và không lâu sau đó khi gia đình tôi đã ổn định hơn một chút, tôi không còn thấy một trong số những người đó xuất hiện lần nào nữa.
Và rồi, những chuyến viếng thăm sau của họ chỉ là ngẫu nhiên, như là cố gắng bù đắp sự vô tâm bấy lâu nay của mình trong một ngày duy nhất và cũng như để báo trước rằng họ sẽ lại biến mất thêm một lần nữa. Và tôi nhận ra rằng, khi một ai đó cảm thấy tiếc thương cho số phận của tôi, họ sẽ nói ra những điều mà chính bản thân họ cũng không thực sự nghĩ như thế. Họ hứa hẹn thật nhiều trong khi chỉ một cuộc gọi điện họ cũng không thể làm được. Cũng vì thế mà tôi có thể lớn lên và trong lòng chẳng có chút sự mong chờ gì từ những con người đó. Điều này khiến tôi chấp nhận sự thất vọng một cách dễ dàng hơn. Đây cũng là một bài học đầu tiên khi tôi phải lớn lên một cách đầy hoài nghi về những điều mà người ta đã nói với mình.
Không có nhiều người biết rằng tôi cũng từng có đầy đủ bố mẹ bên cạnh.
Thuở nhỏ, một người bạn học của tôi đã từng gặp được bố tôi dù chỉ là một lần. Cô ấy đến nhà tôi sau giờ học và bố tôi đi vào phòng khách ngay sau đó. Chúng tôi đã ngồi trên ghế sofa và cùng nhau nói chuyện. Cô bạn tôi rất ngưỡng mộ bố tôi vì ông rất cao, điều đó khiến tôi vô cùng tự hào.
Sau sự kiện bố tôi qua đời, những người bạn sau này của tôi chỉ biết về tôi là một người không có bố. Và điều này dường như đã trở thành một đặc trưng để có thể xác thực được danh tính của tôi vậy. Cũng như nếu phải giới thiệu mình trong một câu, tôi sẽ nói rằng: "Xin chào, tôi tên là Gena, tôi thuộc cung Thần Nông, hiện nay tôi sống với mẹ vì bố tôi đã qua đời.".
Thi thoảng tôi cảm thấy việc mình bị lỡ mất một vài người bạn là vì mình không có bố. Tôi giống như một quyển sách mà ngay từ trang đầu tiên đã bị rách đi một đường dài. Không ai kết bạn với tôi mà biết rằng tôi đã từng có một người bố, mà họ chỉ biết đến việc tôi là một đứa trẻ sống trên đời mà không còn sự có mặt của ông.
Vì thế mà tôi cảm thấy rất biết ơn khi cô bạn thuở nhỏ của tôi đã được gặp bố tôi trong một buổi chiều tan trường. Và có lẽ cô ấy chính là người duy nhất làm tôi cảm thấy thoải mái khi nghĩ rằng: "Thực ra mình cũng từng có đầy đủ bố mẹ bên cạnh mà".
Về sau, tôi học được cách chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống này.
Khi bạn bị mất đi bố hoặc mẹ từ lúc còn nhỏ, bạn chỉ có thể hy vọng rằng vẫn còn một người còn ở bên cạnh bạn và yêu thương bạn đủ để bạn cảm thấy cuộc đời mình đỡ bớt bi thảm. Trong 17 năm qua, tôi và mẹ tôi đã sống cạnh nhau như vậy. Khoảng trống mà bố tôi để lại khiến hai mẹ con tôi sống một cách mạnh mẽ hơn rất nhiều. Và tôi cũng đã thực sự nghĩ rằng, nếu bố tôi có thể nhìn thấy cuộc sống ổn định hiện tại của hai mẹ con tôi thì ông sẽ rất tự hào. Miễn là chúng tôi vẫn còn tiếp tục ở lại cạnh nhau thì mọi chuyện đều sẽ ổn hơn.
Tôi và mẹ vẫn luôn nhớ về bố, mẹ tôi từng nói là nếu chúng tôi sống vui vẻ thì bố cũng sẽ rất vui ở một nơi nào đó. Và tôi hoàn toàn tin vào điều này.
Mất đi bố là một điều mất mát và khó khăn biết bao. Nhưng tôi và mẹ vẫn luôn nhớ về ông, cũng như có lẽ ông cũng nhớ về chúng tôi nhiều như vậy.
Nên là, có lẽ đến một lúc nào đó, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.
TĐCS
thông điệp cuộc sống