Những phẩm chất cha mẹ nên có khi nuôi con
Nhưng để nuôi con theo cách như vậy thì phụ huynh nên sắp xếp lại những điều cơ bản trong lòng, hiểu được chính bản thân mình để nuôi dạy con tốt nhất. Những điều đó là gì?
1. Tình yêu với con là tuyệt đối
Để nuôi con tốt, điều kiện cơ bản của người làm cha mẹ là phải luôn ấp ủ "tình yêu". Chắc hẳn các bạn sẽ hỏi: Trên đời này có cha mẹ nào lại ghét bỏ con mình chứ? Tuy nhiên, việc không ghét bỏ con cái nhưng vẫn thiếu tình thương với trẻ là việc có thể xảy ra. Nhiều người nghĩ rằng thương con là chuyện đương nhiên nhưng đó lại là điều lầm tưởng, bởi đứa trẻ còn khát khao tình yêu thương của cha mẹ hơn thế nữa.
Chúng ta nên hiểu rằng bản năng làm mẹ là bẩm sinh nhưng vẫn cần được nuôi dưỡng. Bản năng làm mẹ chân thành không thể có được khi người mẹ không cố gắng, không vất vả vì con và không trải qua những đấu tranh, mâu thuẫn trong quá trình nuôi dạy trẻ. Mối liên kết (Bonding) giữa mẹ và con là sự yêu quý, gắn bó giữa hai người có tính tương hỗ, qua lại. Dù người mẹ có yêu con nhưng không được trẻ đồng cảm, không gắn bó trong quá trình chăm sóc thì tình yêu ấy cũng chỉ dậm chân tại chỗ.
Trẻ có thể nhận ra tình cảm của mẹ môt cách đáng ngạc nhiên. Bằng cảm giác, sự nhạy cảm và qua bầu không khí, trẻ biết được mẹ đang nghĩ gì, dành cho mình tình cảm thế nào, đôi khi chính xác đến mức vượt quá sức tưởng tượng của người lớn.
Nói tóm lại, để yêu thương trẻ cũng cần thời gian và sự cố gắng. Nếu người mẹ liên tục nỗ lực và thể hiện tấm chân tình thì có thể nuôi dưỡng tình yêu thương lớn dần cho con. Và tình yêu tuyệt đối đó sẽ trở thành nền tảng cơ bản nhất của một người mẹ sáng suốt.
2. Tính nhạy cảm
Khi dành cho con tình yêu đủ đầy, điều kiện tiếp theo cần có là "tính nhạy cảm" của người mẹ. Đó chính là khả năng nắm bắt, nhận biết nhanh, chính xác từng tín hiệu mà trẻ gửi đến. Nói một cách đơn giản, cốt lõi của điều này là người mẹ hiểu được tâm trạng của con đến mức nào.
Lấy việc khóc của trẻ làm ví dụ, Nếu là người mẹ nhạy cảm sẽ biết được bé bị đau bụng hoặc khó chịu ở đây đó mới khóc. Trái lại, với những người mẹ không biết điều này, cho dù trẻ có khóc đến kiệt sức thì mẹ cũng không tìm được lý do. Người lớn chúng ta luôn có người "chậm một nhịp", hiểu nôm na là người mà người khác cười xong một lúc rồi mới cười một mình hoặc là cười mà không hiểu được lý do thực sự là gì. Và đặc trưng thường gặp của những bà mẹ không nhạy cảm là ra lệnh hoặc ép trẻ làm chuyện gì đó.
Không ai sinh ra đã không có chút nhạy cảm nào, nhưng nếu không quan tâm dến con từ khi còn nhỏ thì người mẹ sẽ ngày càng vụng về trong việc hiểu tình cảm của trẻ. Nhưng cũng như tình yêu, sự nhạy cảm có thể nuôi dưỡng được. Không phải có câu: "Phụ nữ thì yếu đuối nhưng người mẹ lại mạnh mẽ" hay sao. Nếu người mẹ nói rằng mình không nhạy cảm với trẻ vì tính cách bẩm sinh của mình thì không thuyết phục. Trước khi nói ra như vậy, hãy nhìn lại xem hoàn cảnh nuôi dạy trẻ ra sao, mình đã chuẩn bị để làm mẹ như thế nào. Còn nếu người mẹ gặp vấn đề với mọi người xung quanh thì phải tìm ra nguyên nhân và sớm giải quyết mâu thuẫn ấy. Nếu buồn bực thì phải tìm ra nguyên nhân và loại bỏ nó. Nếu quá bận rộn thì hãy nhờ những người xung quanh giúp đỡ. Nếu có mâu thuẫn với chồng thì hãy tìm ra điểm thỏa hiệp và xây dựng nguyên tắc giữa 2 người.
Dù kết quả của quá trình rèn luyện tính nhạy cảm là điều không thể nhìn thấy ngay được, nhưng nếu nhận thức rằng đó là yếu tố quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của trẻ thì chắc chắn người mẹ sẽ biết cách để thực hiện. Vì vậy, khi nuôi con, cha mẹ nên chú ý tới việc nuôi dưỡng sự nhạy cảm của chính mình.
3. Khả năng phản ứng
Khi cha mẹ có được sự nhạy cảm, điều tiếp theo mà cha mẹ cần đó là khả năng phản ứng phù hợp. Nếu chỉ nhạy cảm nhận biết mà không có phản ứng cần thiết khiến trẻ dồn nén trong lòng nỗi bất mãn về những mong muốn không được đáp ứng. Nhất là thủa ấu thơ, trẻ có nhiều tín hiệu liên quan đến các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, đi vệ sinh và chơi đùa nên nếu cha mẹ không có phản ứng nhanh những dấu hiệu của con thì bé sẽ gặp trở ngại nghiêm trọng trong việc hình thành tính cách.
Thông thường khi nói đến phản ứng, chúng ta thường nghĩ tới cách cư xử, biểu hiện qua ánh mắt. Nhưng phần lớn các bà mẹ không có phản ứng phù hợp với tâm trạng của con là do cơ thể yếu hoặc tinh thần quá mệt mỏi với việc nhà, việc nuôi con và công việc của bản thân. Dẫu vậy, phản ứng của người mẹ ở chừng mực nào đó rất quan trọng với quá trình trẻ trưởng thành và xây dựng tính độc lập. Nếu người mẹ bỏ lỡ giai đoạn này vì những lý do như mệt mỏi hay có quá nhiều thứ phải quan tâm thì sẽ gây ra nhiều trở ngại sau này. Vì thế, nếu có mệt mỏi chúng ta hãy tìm tới sự chia sẻ của người chồng hay người thân trong gia đình.
Cũng có những trường hợp phát sinh vấn đề vì người mẹ phản ứng thái quá trước tín hiệu của trẻ. Có thể mong muốn của bé không lớn nhưng mẹ đã vội vàng phản ứng ngay. Xu thế cha mẹ mắc phải những lõi này ngày càng nhiều khi việc giáo dục sớm cho trẻ được chào đón rộng rãi.
4. Tính nhất quán
Điều kiện cuối cùng cha mẹ cần có đó là tính nhất quán. Dù phản ứng nhạy cảm với những tín hiệu của trẻ nhưng không có nghĩa là cha mẹ thay đổi tùy theo tâm trạng của mình. Tất nhiên, không thể đáp ứng được mọi điều trẻ muốn vì cha mẹ nào cũng có lúc tâm trạng không được ổn định. Nhưng nếu coi cha mẹ là đối tượng giao lưu đầu tiên thì trẻ sẽ cảm thấy hỗn loạn khi cha mẹ tùy tiện làm mọi thứ theo tâm trạng của bản thân. Bởi vì trẻ hoàn toàn không có khả năng cân nhắc trạng thái tình cảm của đối phương qua ánh mắt như người lớn.
Vậy phải đối diện với con bằng tiêu chuẩn thế nào?
Mỗi đứa trẻ đều tồn tại cá tính riêng, không có cái gọi là tiêu chuẩn phổ biến thông dụng nào cả. Mỗi nguyên tắc đều khác nhau, tùy theo tố chất của người mẹ, tính cách bẩm sinh của trẻ và hoàn cảnh sống.
Điều quan trọng hơn cả đó là bậc cha mẹ không được đánh đồng tâm trạng của mình với thái độ khi đối diện với con. Có những bà mẹ khi tâm trạng tốt thì dành cho con tình thương vô bờ bến nhưng nếu có chuyện gì không vui thì vô cớ trút giận lên trẻ. Hãy luôn luyện tập trong đầu suy nghĩ tách trẻ khỏi hoàn cảnh xung quanh mình. Không phải cha mẹ nào cũng tạo được thái độ nhất quán với con trong thời gian ngắn, vì thế rất cần nuôi dưỡng lòng kiên trì trước khi xây dựng những nguyên tắc. Chỉ cần có lòng kiên trì, chắc chắn cha mẹ sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi.
TĐCS - Theo "Đừng ép con khôn sớm"
cách nuôi connhững điều cần biết của bậc cha mẹcha mẹ nên biếtcách nuôi dạy trẻ